Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

MONG MANH THU VÀNG



MONG MANH THU VÀNG
(Cảm nhận về tập thơ "Mong manh thu vàng" của Cô Phạm Thị Minh Hưng)


Mong manh như làn hơi sương buổi sớm mùa thu chỉ cần chạm nhẹ là tan biến. Mong manh như chiếc lá mùa thu lặng lẽ úa dần rồi chao nghiêng theo gió. Mong manh như hơi thở của ai kia rất nhẹ. Mùa thu vàng khe khẽ đi qua... Nhũng dấu yêu ngày tháng dẫu phôi pha. Những xa xăm chưa bao giờ cũ. Những bây giờ nồng ấm hương xưa. Và ngày mai đẹp tựa giấc mơ. Trong vắt nụ cười tuổi thơ mười sáu...
Không nói nhớ mà nhớ quắt quay. Không nói yêu mà yêu cứ tràn đầy. Không nói buồn mà buồn thương da diết. Không nói triết lý mà triết lý cứ hiển hiện thật tự nhiên, mềm mại, dễ thương.
Cứ như thế tình thơ, ý thơ thoảng qua rất nhẹ mà đọng mãi trong lòng người. Lặng lẽ. Dịu dàng. Ấm áp..
Cầm trên tay tập thơ MONG MANH THU VÀNG của nhà thơ PHẠM THỊ MINH HƯNG, đọc từng dòng, từng trang rồi đọc luôn một mạch, chợt nhận ra không biết từ lúc nào mình đã nâng, lật từng tờ thật nhẹ như thể sợ những dòng thơ mong manh sẽ tan đi trong tay. 112 bài bài nào cũng hay, cũng dung dị, lắng sâu.
Cảm ơn nhà thơ- cô giáo Phạm Thị Minh Hưng đã góp vào mùa thu một sắc vàng dịu nhẹ, góp vào vườn thơ những sợi tơ lòng lấp lánh, và góp cho đời một tình yêu mạnh mẽ đến diệu kỳ. Thật đáng quí, đáng trân trọng, nâng niu...
BT. 26-9-2016


*
 Lấp Lánh Tình Thu.

Mong manh như sương sớm mùa thu
Chiếc lá chao nghiêng, gió cuối mùa
Hơi thở của ai kia rất nhẹ
Mùa thu vàng khe khẽ đi qua!

Những dấu yêu dẫu phôi phai, ngày tháng
Chưa bao giờ cũ, bởi thời gian
Bên nhau nồng ấm dường đâu đó
Giấc mơ hồng... tuổi 16 ngây thơ...

Bỗng thoáng nhớ có điều gì đã mất
Tình chơi vơi, mỗi lúc một đong đầy
Hồn bâng khuâng 
quắt quay, dịu ngọt
Lời thơ buồn lắng đọng ngất ngây

Mong manh thu vàng sắc thu dịu nhẹ
Lặng lẽ mơ màng ấm áp tình thu
Em say đắm một trời thu vời vợi
Sợi tơ lòng lấp lánh những yêu thương!

Phạm Thị Minh-Hưng
(Cảm tác từ bài viết trên của Em gái Bạch Trầm)

*
SỰ KẾT NỐI TỪ "Mong Manh Thu Vàng" (Tập thơ của Tác giả: Cô Phạm Thị Minh Hưng).
Lần thứ hai cô Minh Hưng ra mắt Thơ. Tập thơ "Mong manh Thu vàng" với 112 bài, Thơ của cô nhẹ nhàng thanh thoát như tính cách của cô. Khi nhận tập Thơ cô tặng có chị buộc miệng thốt ra: Cô dạy Hoá sao cô làm thơ hay thế hả cô. Cô chỉ cười, nụ cười cũng rất hiền hoà. Mà đúng thật, nguồn thơ của cô thật dồi dào. Mặc dù tuổi cao, lại bệnh nan y trong người mà cô vẫn rất duyên tình với Thơ. Thơ cô thanh tao như gió nhẹ, như hương thoảng mà rất ân tình. Một nỗi buồn thương, một nỗi nhớ nhung giận hờn cũng là duyên cớ cho một bài thơ ra đời.
Trong một không gian ấm áp của cafe Vườn Lan, mọi người đã tề tựu đông đủ, tất cả đều là thân tình và chan hoà yêu thương đã vun đắp nên tập Thơ của cô: Người thì Thiết kế, người thì In ấn,...đều khép kín trong những Cựu Học sinh TH BMT tại Sài gòn. Thật tuyệt vời! Thơ của cô chỉ dành đề tặng, như san sẻ món quà tinh thần cho nhau.
Trong buổi toạ đàm Thơ, lần lượt từng người tặng hoa, tặng quà, phát biểu, đàn, hát, đọc thơ,...rất thân tình, đầm ấm trong không khí trang nhã và lịch lãm. Đề tài cũng khá hay và sôi nổi, khi thì bình thơ, lúc chen những tâm tình khác mang tính thời sự chia sẻ tiếc thương (Thầy Thế Vũ vừa mất).
Buổi toạ đàm Thơ cô Minh Hưng cũng có mặt hai nhà thơ khá nổi danh trên Fb: Anh Hung Kieu và chị Trâm. Chị Trâm làm thơ hay và có giọng đọc thơ cũng rất hay, vừa có mối thân tình như một thành viên trong gia đình của cô Minh Hưng, chị mãi tận Nhà Bè, đi hai chặng xe bus đến, tay trong tay mừng vui khôn tả !
Anh Hung Kieu cũng được cô Minh Hưng và mọi người thán phục tài làm thơ của anh. Trong lời phát biểu của anh, câu cuối anh dừng lại một giây và nói rằng: Nếu tôi còn "sống sót " thì mong sẽ góp thơ cùng in chung tập với cô. Rồi lúc nữa, anh mở Fb đọc cho mọi người nghe bài viết của anh với người bạn cùng thời thơ ấu, cùng thuở học chung với anh ở Trường TH Tổng Hợp BMT : Thầy Thế Vũ vừa mất ! Anh viết nhiều về thời tuổi thơ rồi xa vắng 20 năm sau vì chiến tranh. Bạn anh trở thành Thầy, anh vẫn là "Thằng", dí dỏm mà xen lẫn chút chua cay số phận. Rồi anh tự kể: Anh không một lời chia buồn, phân ưu khi bạn mất nhưng 3 giờ sáng anh vẫn còn thao thức để viết tiếp đến câu cuối : Không thể đến viếng bạn vì LỰC BẤT TÒNG TÂM. Những điều anh nói " nếu tôi còn sống sót" hay "Lực bất tòng tâm", dường như anh đã hé lộ một điều gì đó về sức khoẻ của anh. Thấy anh gầy đi nhiều, tuy vẫn còn đi lại được, giọng cười vẫn vang vang , song dẫu gì anh cũng không thể giấu mãi, ẩn kín mãi như những gì lâu nay cuộc sống của anh vẫn diễn ra âm thầm đơn độc với chính anh! Rồi anh chào Thầy và Cô cùng mọi người ra về sớm để uống thuốc.
"Mong manh Thu vàng" tập Thơ của cô Minh Hưng chiều nay đã tạo nên một mối duyên hội ngộ cho chúng em, những Cựu HS THBMT thân yêu, giờ ai cũng đã ở lứa tuổi U60 mãi cùng năm tháng vẫn nối kết cùng Thầy Cô. Chỉ mong sao Thu Vàng mà không Mong Manh sức khoẻ để mãi được cận kề niềm vui, nỗi buồn bên nhau như hôm nay.
Và nếu có thể, "HÃY LÀ MỘT ĐOÁ VÔ THƯỜNG" như trong tập Thơ cô đã thể hiện.
Rất vui cùng cô và tập Thơ của cô cũng như nhiều ấn tượng tốt đẹp với các Anh Chị khoá (68-75).
Ht,
Sg,ngày 25/9/2016.

*
GHI CHÉP NGẮN VỀ BUỔI RA MẮT THƠ CỦA CÔ MINH HƯNG
Văn chương đã bay hết về phía nữ mà bỏ mặc tôi lại giữa chốn trần gian. Thôi thì tôi cũng ghi chép lại vài dòng nôm na để góp vui với các bạn về buổi ra mắt tập thơ MONG MANH THU VÀNG của Cô MINH HƯNG vậy!
Lâu lắm rồi mới thấy tên của Lâm Dũng hiện lên màn hình khi điện thoại reo. Mỗi lần tay nầy gọi, thế nào cũng có cái-sự-rủ-rê.
- Anh nghe Lâm Dũng!
- Chào anh Hùng. Lâu lắm mới gặp lại. Anh khoẻ không?
- Không khoẻ lắm nhưng cũng còn đi được.
- Vậy thì mời anh ngày mai 4:00 chiều đến quán cà phê Vườn Lan gần nhà em dự buổi ra mắt tập thơ mới của Cô Minh Hưng.
- Rồi! Anh sẽ tới. Nhưng lần nầy có chụp hình thì mặt phải tươi tỉnh lên nghe.
- Em thì toàn chụp người ta chớ em có mấy khi!
- Ừ! Nói trước đó mà liệu. Đừng để anh phang cho một chữ mất sổ...gì khác nữa nghe.
Hắn cười khà khà rồi cúp máy.
Chiều chủ nhật Sàigòn trời đã khá mát mẻ mà lại không mưa nên thiên hạ tranh thủ chạy ra đường để hít khói xe lẫn nhau. Kẹt xe quá chừng!
Tới đầu đường Tân Kỳ-Tân Quý liếc đồng hồ đã gần 4:30. Phong cách nhà binh ngày xưa vẫn còn trong con người tôi nên ít khi trễ hẹn. Tôi không cố làm ra vẻ mình là nhân vật quan trọng để luôn đến trễ gây sự chú ý cho mọi người. Lần nầy thì ngoài ý muốn khi đang sống trong cái thành phố hỗn tạp và đông đúc nhất nước mà con với người sống lẫn lộn.
Chừng như sốt ruột khi chưa thấy bóng dáng tôi, Lâm Dũng lại réo lần nữa.
- Rồi rồi! Anh gần tới rồi. Đang bị kẹt xe ở đầu đường Tân Kỳ-Tân Quý.
- OK!
Chừng như tôi nghe tiếng thở hắt nhẹ nhõm của Lâm Dũng trong điện thoại.
Tới đầu đường Núi Thành tôi ngoặc phải. Vòng qua vòng lại thấy bảng hiệu Vườn Lan mừng quá tấp vô gởi xe. Mới hai năm trước tôi đã tới đây trong buổi ra mắt tập thơ THOÁNG HƯƠNG XƯA của Cô Minh Hưng mà! Sao bây giờ thấy lạ quá?
Úi trời! Nhìn vào quán thấy một đàn thiếu nữ mảnh mai yêu kiều trong những tà áo dài...mong manh như khói sương đủ sắc màu, mặt hoa da phấn đẹp thấu trời đang mỉm cười chào đón.
Nói nào ngay, khi đi tôi cũng ăn vận chỉnh tề rồi xịt một chút nước huê cho khỏi mùi khét nắng làm mấy em cứ tưởng lầm là một "đại da" chiều cuối tuần đi nhậu cho thư giãn nên đon đả đón mời.
Hơi bối rối, tôi chọn đại một em đứng gần rồi hỏi:
- Đi lên lầu đường nào CON?
Mèn ơi! Sao tôi ghét cái lối xưng hô của người Việt Nam nó tách bạch ngôi thứ quá! Cứ I với You như Mẽo hay Ngộ với Nị như mấy anh Ba nó dễ đánh đồng biết mấy! Một đoá hoa hương sắc thế kia mà cứ phải gọi là CON. Uổng thiệt! Phải chi là tiếng EM thì nghe nó nhẹ nhàng, êm dịu biết mấy phải không bà con?
- Dạ! Đi đường nầy CHÚ.
Lại thêm một lần ghét nữa!
Vòng qua vòng lại như trong mê cung, cuối cùng cô bé đưa bàn tay búp măng trắng như ngó sen ngửa ra mời tôi:
- Dạ đây Chú!
Tôi ló đầu vô thấy chỉ có mấy thằng cha lạ hoắc đang ngồi nhậu.
- Hổng phải CON ơi!
Lần nầy cô bé ngoắc một thằng đực rựa nhờ dẫn tôi qua một lối khác.
- Đưa giùm Chú đến chỗ họp mặt đồng hương gì đó.
Tôi chắc mẩm lần nầy khỏi phải leo lên những bậc thang khác mà mỗi bước là một cực hình bởi cái lưng đau nhói. Nhưng than ôi! Vẫn chỉ là những gương mặt đang đỏ lựng vì rượu chớ chẳng thấy Nàng thơ nào bay lượn quanh đây.
Tôi lắc đầu lần nữa. Lại phải gọi cho Lâm Dũng cầu cứu:
- Giờ nầy em ở đâu? Quang Trung nắng cháy da người...
- Anh tới là thấy em liền! Em đang đứng trước cửa chờ nè!
Thằng cu dẫn đường nói:
- Vậy chú bước qua quán cà phê bên kia đường chắc có.
Tôi tẽn tò bước thấp bước cao tuột xuống mặt đất quay lui. Định lấy xe ra, nhưng mấy chàng bảo vệ nói Chú cứ để ở đây cũng được. Hai bên cùng một chủ mà.
Hoá ra tôi sớn sác vô lộn tiệm. Cứ tưởng Lan nào cũng là Lan, nhưng Lan cà phê nó khác với Lan nhậu!
Bước qua đường đã thấy Lâm Dũng giơ tay ngoắc. Lại lên những bậc thang đau điếng cùng lúc với cô nàng Nhịn. Anh em lâu quá mới gặp nhau nên cứ cười toe.
Mèn ơi! Thiệt lỗi đạo quá! Thầy Vĩnh và Cô Minh Hưng cùng các bạn thân quen mà đa phần lớp 68-75 đã có mặt đông đủ. Những cái bắt tay siết chặt nói lên sự thương mến và tình đồng môn dồn dập khắp lượt. Ngồi kế bên, Thầy Vĩnh cứ tấm tắc khen:
- Tôi thích những cái ông viết về Banmêthuột xưa. Nó xác thực và gợi nhớ như Nguyễn Chính.
Thì Thầy cũng chỉ lớn hơn tôi có 4 tuổi chớ mấy, nên xưng hô như vậy cũng là thường.
Trên tường cũng có một poster lớn bìa tập thơ, vài lẵng hoa, vài chồng sách chờ được trao tặng, một dãy bàn dài ghế ngồi hai bên, vài cái dĩa, vài cái ly chuẩn bị cho một tiệc trà thân mật...
Để coi có ai?
Trước tiên là Thầy Vĩnh và Cô Minh Hưng, Lâm Dũng, Nguyễn Viết Kình, Thanh Thuý (3 nhân vật đã bỏ nhiều công sức để đứa con tinh thần của Cô Minh Hưng được chào đời), Hùng Nguyễn, Tâm, Hoàng Tuấn, Quang Tám, Hồng Trang, Hoàng Dung, Kim Oanh (nội tướng của phó nháy Lâm Dũng), Nhịn...và dĩ nhiên là có tôi. Lần nầy đặc biệt Cô đưa hai con và cháu nội tới cùng tham dự cho vui. Cô ký tặng mỗi người một tập thơ rồi nhờ những người có mặt ký vào một tập riêng cho mình để làm kỷ niệm như khi...dự đám cưới. Hì...hì...
Tôi không chịu đề tặng chung chung mà làm khó bắt Cô phải ghi thêm là Thân tặng nhà thơ s@...(sic)
Vậy là những quân cờ bắt đầu di động để vào cuộc.
Trước tiên, Lâm Dũng đại diện các lớp Cựu học sinh chúc mừng sức khoẻ Thầy Cô đồng thời nói lên những tình cảm đặc biệt của các bạn để hôm nay "đứa con riêng của Cô" (không có sự tham gia của Thầy) ra đời, đồng thời cũng nhắc lại kỷ niệm hai năm về trước cũng tại nơi đây, cũng những gương mặt thân quen nầy đã tề tựu chào đón người anh em THOÁNG HƯƠNG XƯA của nó. (Đó là tôi nói giùm Lâm Dũng cho nó có vẻ văn huê một chút chớ tay nầy nói năng dở ẹt! Tôi không hiểu sao mà ngày xưa Kim Oanh chịu hắn nữa).
Tức không chịu được, tôi xin phép Cô cho phát biểu vài lời:
"Em xin phép nói lời khâm phục sức sáng tác của Cô. Ý thơ như dồn nén mấy chục năm nay cứ đều đều tuôn chảy về trong Cô thể hiện bằng những bài thơ nồng nàn cũng có, tiếc nhớ cũng có, thương yêu hờn giận cũng có...thậm chí ở lứa tuổi cổ lai hy Cô vẫn còn cảm xúc như một thiếu nữ tuổi trăng tròn. Em không có điều kiện để thực hiện ước mơ tập họp "những vần thơ lai láng" của mình gởi đến mọi người. Mong sao lần ra mắt tập thơ tới, Cô cho em xin góp mặt ké vài bài để...lấy hương lấy hoa".
Vỗ tay! Cô cười hiền và gật đầu đồng ý. Sướng nhé!
Đến lượt Cô phát biểu ý kiến. "Cô không ngờ các học trò nhỏ của Cô ngày xưa bây giờ tất cả đã thành nhơn chi mỹ vẫn còn giữ lòng thương mến và kính trọng Cô như vậy, đã cùng nhau góp sức để những đứa con tinh thần của Cô thành hình làm niềm vui mà an ủi tuổi già, Cô cám ơn sự có mặt của mọi người hôm nay để buổi ra mắt tập thơ thứ ba của Cô thêm nhiều ý nghĩa!"
Cô cũng không quên khen ngợi một câu dành cho "thi sởi s@..." làm tôi khoái chí quá!
Cô trích một số bài thơ của mình rồi diễn giải những tình huống đưa cảm xúc đến với Cô. Trên tất cả là nỗi nhớ trong những bài thơ ấy hoàn toàn dành cho Thầy Vĩnh.
Cô nói nhỏ quá, nhưng chắc Thầy đã quen những lời cằn-nhằn-bên-gối nên xem chừng nghe rõ hết.
Ngồi bên cạnh Thầy, quay sang tôi bèn la làng lên:
- Coi nè! Thầy sung sướng và mắc cỡ khi một niềm yêu sâu kín được nói ra trước mặt mọi người tới đỏ mặt nè!
Nhìn vẻ sượng sùng của Thầy, tôi cười khoái trá trước vẻ sung-sướng-không-thể-nào-hoãn ấy.
Bạch Trầm xin phát biểu và đọc một phần lời giới thiệu vì e rằng những người có mặt nơi đây chưa chắc đã giở ra. Cái sự thật phũ phàng ấy có đó. Rồi Bạch Trầm đọc lên một vài bài thơ mà cô ưa thích.
Trêu đùa chọc ghẹo nhau để cười vui thoả thích thật bình dị và chân tình trong mối tình cảm sâu xa của những người bước ra đi từ cùng một xứ sở. Dường như những hạt bụi đỏ ngày xưa vẫn còn nằm trong nếp gấp tâm hồn của mọi người cùng từ lớp đất đỏ ba-dan nên dễ gần nhau hơn. Cộng chung với màu bụi phấn bay bay của những ngày xưa thân ái đã hoà trộn hoá thành một màu hồng tươi thắm mãi và không biến đổi trước sự khắc nghiệt của thời gian.
Ôi! Sao tôi yêu những con người ấy đến thế!
Ăn vài cái bánh ngọt lấy sức, Cô đề nghị phần văn nghệ giúp vui nối tiếp. Tiếng ghi-ta thùng của Hung Nguyen nhỏ nhẹ vang lên như mời gọi những giọng ca...đồng nát!
Tâm mạnh dạn xung phong hát trước sau những kể lể thành tích học hành của mình ngày xưa làm Cô gợi nhớ. Đây chánh hẩu là một ca sĩ Karaoké chuyên nghiệp với chất giọng mạnh mẽ. Sẵn có mấy tập nhạc trên bàn, giở trúng bài nào là hát bài ấy.
"Chiều nay không có em...Thành phố quên chưa lên đèn..."
Làm như em đang chạy đôn chạy đáo đi mua dầu lửa thắp đèn ở tận mãi xứ mô không bằng.
Giọng hay!
Người kế tiếp Tâm được quyền chỉ định là ca sĩ Băng Tâm của Câu lạc bộ sĩ quan Biên Thuỳ ngày xưa trên đất Banmêthuột. Cô chọn bài Nửa hồn thương đau của Phạm Đình Chương. Cuối bài, tôi ăn theo một câu: "Khóc...ơ...ơ...ờ...ơ...một mình". Vỗ tay vì song ca có một câu mà...hay quá!
Chưa đã ngứa, Lâm Dũng chạy ra nhờ phục vụ khiêng vào thùng bia và ít mồi nhậu cho không khí sung hơn.
Cô Minh Hưng đề nghị đến phiên tôi hát, nhưng nhắm chừng kham không nổi nên tôi xin phép đọc bài Đôi dòng cảm xúc của tôi về người bạn Trần Thế Vũ vừa qua đời.
Bài viết chừng như đã làm lòng tôi nặng trĩu, tôi chỉ muốn rúc vào một cõi riêng tư. Hơn nữa, cái lưng leo lên tuột xuống mấy vòng cầu thang khiến tôi đau buốt nên vội đứng lên xin phép Thầy Cô và các bạn ra về trước.
Tôi thích đem niềm vui tới cho mọi người hơn là phá hỏng một cuộc họp mặt với vẻ âu sầu.
Tội cho Hồng Trang phải chạy theo xuống mặt đường để hỏi thăm nguyên cớ.
Nụ cười vẫn nở trên môi và tôi trả lời:
- Có gì đâu!
Niềm vui vẫn còn cộng thêm sau lớp cửa kính phía trên cao kia khi tôi quay xe đi.
HÙNG BI
(60-68)







*@ Bộ tứ quan trọng của Mong Manh Thu Vàng: ** Lâm Dũng - Thanh Thúy - Minh-Hưng & Viết Kình.

---  Con gái lớn và con trai út cũng chia sẻ niềm vui cùng Nhà thơ PTMH:









1 nhận xét:

  1. Vào Chủ Nhật, ngày 23 tháng 10 năm 2016, Bien Tran đã viết:
    Xin chào Minh Hưng,
    Mình đã nhận được quyển thơ của Minh Hưng gởi tặng, và có gởi tặng cho Minh Hưng tập Thơ dịch, kỳ họp tới Ô, Tuấn sẽ mang theo. Dạo này mình trở về ngoài Lagi rồi, đang bận giữ cháu ngoại về chơi. Thơ của Minh Hưng lúc nào cũng tràn đầy lãn mạng, thơ mộng giống như dừng ở tình cảm tuổi học trò chưa bị cuộc sống làm ảnh hưởng. Cảm ơn Minh Hưng nhé. Tâm Nguyện

    Trả lờiXóa